VĂN HÓA CÚI CHÀO CỦA NGƯỜI NHẬT

Văn hóa cúi chào của người Nhật

Văn hóa chào hỏi luôn được xem là một cách đánh giá cách cư xử của một con người. Vì vậy, tùy vào từng quốc gia mà sẽ có quy tắc ứng xử khác nhau. Nhật Bản cũng vậy, đất nước xứ sở hoa anh đào cũng có một quy tắc chào hỏi rất đặc biệt. Người Nhật đánh giá người đối diện không những qua cách ứng xử, nói chuyện mà còn qua cử chỉ và thái độ của họ. Dưới đây Minh Khang sẽ giới thiệu cho bạn một số kiểu cúi chào của người Nhật để tránh bị mất điểm khi gặp gỡ nhé.

Nếu như trong văn hóa phương Tây, người ta thường bắt tay khi chào hỏi thì Nhật Bản lại rất kiêng kỵ chạm vào cơ thể đối phương, thay vào đó họ cúi gập người thể hiện sự tôn trọng và thay cho câu chào hỏi. Tùy theo sắc thái trang trọng khác nhau mà cách cúi chào được chia thành ba loại.

1. Kiểu Eshaku (会釈) hay là kiểu khẽ cúi chào.
Đây là kiểu cúi chào dùng để chào hỏi những người cùng độ tuổi, cùng tầng lớp và địa vị xã hội, thể hiện sự thân mật, nhẹ nhàng. Ở kiểu này, thân và mình chỉ hơi cúi khoảng 15 độ trong vòng từ một đến hai giây, hai tay có thể để bên hông. Eshaku cũng là điệu chào đơn giản nhất và được dùng nhiều nhất trong ngày của người Nhật vì họ chỉ chào đúng theo lễ trong lần gặp đầu tiên trong ngày, từ những lần gặp sau họ thưởng chỉ khẽ cúi chào.

2. Kiểu chào Keirei (敬礼) là kiểu cúi chào bình thường.

So với Eshaku thì Keirei thể hiện sự trang trọng ở mức độ cao hơn. Keirei là kiểu cúi chào dùng trong chào hỏi với cấp trên, những người lớn tuổi hơn hoặc khách hàng, đối tác làm ăn…. Khi thực hiện kiểu chào này, người Nhật sẽ cúi thấp từ 30 đến 35 độ trong khoảng 2 đến 3 giây. Trong trường hợp bạn đang ngồi trên sàn đất mà muốn thực hiện động tác chào này thì hai tai phải úp xuống mặt đất và cách nhau từ 10 đến 20cm, khoảng cách từ đầu tới sàn khi cúi nên ở mức 10 đến 15cm.

3. Kiểu Saikeirei (最敬礼) là kiểu thay cho những lời chào trang trọng nhất

Kiểu chào này thể hiện sự tôn trọng cao nhất tới đối phương. Người Nhật thường dùng Saikeirei để thể hiện lòng biết ơn, niềm kính trọng tới các đấng tối cao và thiêng liêng như Thần, Phật, Chúa Trời, quốc kỳ…., hoặc đối với các bậc sinh thành như ông bà, cha mẹ…Kiểu chào này cũng thay cho lời xin lỗi, thể hiện thành ý của người Nhật Bản.

Cúi rất thấp, khoảng 45 đến 60 độ và giữ nguyên trong khoảng 3 giây, thậm chí lâu hơn. Thường thì người Nhật sẽ nói lời chào trước rồi mới cúi đầu hoặc thực hiện song song cả hai hành động: Vừa nói lời chào vừa cúi đầu.

Qua bài viết trên, Minh Khang đã giới thiệu cho bạn 3 kiểu cúi chào của người Nhật. Từ giờ bạn có thể tự tin chào hỏi mà không cần phải lo lắng gì nữa nhé. Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời tại xứ sở hoa anh đào.

Mọi thắc mắc quý phụ huynh và học sinh hãy liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY CỔ PHẦN DU HỌC QUỐC TẾ MINH KHANG

Địa chỉ: Tòa nhà Center Point 110 Đ. Cầu Giấy, Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội

Địa chỉ văn phòng tại Nhật Bản: Tokyo To, Chũo-ku, Nihonbashi, Ningyo machi 3 Chõme, 3-5-706

東京都中央区日本橋人形町三丁目3-5-706

Hotline: 0945 659 555 – 096 662 31 31              Email: info@duhocminhkhang.com

Fanpage: Du học quốc tế Minh Khang

Website: https://duhocminhkhang.com