Được và mất gì khi đi du học Nhật Bản

NHẬT BẢN cho ta nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi của ta nhiều thứ. Đời mà “ĐÂU AI CHO KHÔNG AI CÁI GÌ”. Cuộc sống ở Nhật vội lắm, khắc nghiệt lắm, nhưng cũng cho ta nhiều thứ lắm.

1. CHO TA SỰ TRƯỞNG THÀNH

Nếu Việt Nam được chiều chuộng, yêu thương vỗ về bao nhiêu thì Nhật Bản lại tự lập bấy nhiêu. Sẽ không còn những bữa cơm do chính tay mẹ nấu, không còn được những lời quan tâm của cha. Không còn được những lúc mệt mỏi, ba mẹ yêu thương dỗ dành. Chúng ta sẽ phải tự tính toán mọi chi phí….đi làm sao cho đủ các loại tiền, bộn bề các thứ để lo… Cuộc sống ở đây dạy cho chúng ta biết ăn bữa này phải biết đến bữa sau. Sau mọi thất bại, là lại ngồi nghỉ, nạp năng lượng rồi chiến đấu tiếp. Tích luỹ dần “kinh nghiệm” để làm bàn đạp vũng chắc đến thành công. Sự trưởng thành nó mang nghĩa đúng hơn là khi “21 tuổi” không cần những bữa cơm từ tay mẹ nấu.

2. NHẬT BẢN CHO TA SỰ CÔ ĐƠN

Những lúc lủi thủi một mình, những buổi tan học vội vã chạy về ăn tạm cái gì rồi lại lại chạy đi làm cho kịp chuyến tàu vội, muộn giờ vào làm.!!

Là những lúc ngồi nghe lũ bạn tâm sự về gia đình nó, những lúc thấy bạn bè được bố mẹ gọi hỏi quan tâm “ăn gì chưa con” “hôm làm có mệt không con” Là khi gần tết bố mẹ lũ bạn nó gọi bảo “năm nay bố mẹ ăn tết to lắm, có về không con?” …

Cuộc sống xa nhà là vậy … đi đâu rồi cũng phải nhớ về cội nguồn, thèm lắm cái cảm giác được sống trong 2 chữ “GIA ĐÌNH”
Chỉ cần đơn giản vậy thôi

3. NHẬT BẢN DẠY CHÚNG TA “NÓI DỐI”

Là những lúc điện thoại cho bố mẹ, chỉ dám để gần màn hình điện thoại, cho bố mẹ an tâm mình vẫn béo tốt. Là những lúc chụp lại nhưng bữa ăn mà bạn bè nó đi quán gửi trêu mình, rồi lại gửi cho bố mẹ là: “con ăn đầy đủ lắm, bố mẹ an tâm nha”

Là những hôm đi làm thâu đêm từ 6h tối đến 6h hôm sau nhưng vẫn bảo: “bố mẹ ngủ sớm đi, con ngủ mai còn đi học”

Là những lúc ngủ quên trên tàu, ngủ quên không đi học, thiếu ngủ …thật sự là thiếu lắm. Nhưng vẫn bảo con ngày vẫn ngủ đủ 7-8 tiếng …

4. LÀ NHỮNG NGÀY THÁNG ÁP LỰC

Đi nước ngoài …ôi sao mà nghe sang chảnh thế. Là được đi ” thoát khỏi cái ao làng “. Là những buổi đi làm kiếm bằng cả tháng lương người ở nhà. Mang trong người “2 tiếng Du học” nhiều khi chỉ muốn trốn đi thật xa. Du học, họ cũng phải ngày đêm đi làm và đi học, là những giấc ngủ ngắn ngủi. Là những lúc nhận lương nhưng lại nghĩ đến tiền nhà, tiền học, tiền tàu xe …

Là những lúc điện về chỉ muốn nghe lời động viên từ gia đình, nhưng cũng được mấy câu đầu rồi “lại đem ra so sánh với con người ta gửi về kìa, sao không thấy mày gửi về đồng nào vậy”

Cũng xin thưa rằng …Du học cũng là người, cũng đủ thứ để lo, xin đừng đặt mọi trách nhiệm lên người họ. Họ mệt mỏi lắm!

5. NHẬT BẢN LẤY ĐI CẢ THANH XUÂN

Là cả tuổi thanh xuân đi tìm kiếm tương lai ước mơ cho bản thân, là cả ngày chỉ có nghĩ đến đi học và làm. Là lấy đi mất tình yêu của tuổi thanh xuân, cái tuổi yêu và được yêu đẹp nhất của đời người.

Là mỗi khi gặp người khác người ta gọi mình là anh, là chú. Mới chợt nhận ra mình đã già trước tuổi. Vội đi tìm kiếm ước mơ mà chợt quên rằng bản thân mình cũng đang cần được sự bù đắp.

6. NHẬT BẢN CHO TA CẢM NHẬN

Việt Nam chậm rãi bao nhiêu thì Nhật Bản lại vội vã bấy nhiêu. Nếu như ở Việt Nam bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 5h chiều. Nhưng thử hỏi trong khoảng thời gian đó có làm được việc gì cho tử tế?

7h sáng thì mất 2 tiếng cafe và ăn sáng. Làm việc thì ít riêng tư thì nhiều. Phải chăng họ chưa cảm nhận được trách nhiệm của công việc và đồng lương họ nhận được?
Người Nhật thèm được làm, thèm được lao động và cống hiến cống sức trí tuệ cho đất nước, nên ta cũng hay gặp những người đáng tuổi ông tuổi bà mình vẫn đang làm việc… Họ làm là vì trách nhiệm với công việc chứ không phải là việc ngồi không ăn lương.

Xã hội là vậy đấy, thử hỏi xem 24 tiếng bạn đã làm được cái gì ? Bạn nên nhớ rằng xã hội đang càng ngày thay đổi mà bạn vẫn ngồi yên thì sớm muộn cũng “chết”. Đừng để cuộc đời bạn chết ở tuổi 25 mà đến 85 tuổi mới đem chôn.

Phải chăng đã đến lúc những con người tuổi trẻ chúng ta, những thế hệ tương lai của đất nước. Cần suy nghĩ lại những gì mình cần làm và không nên làm. Cha mẹ cho ta hình hài khôn lớn, hãy ra ngoài để xã hội dạy ta nên người. Hãy tự thoát ra khỏi vòng tay cha mẹ, ra ngoài bầu trời bao la bão táp kia, để được “nếm vị đời”, được sống, được trải nghiệm, hãy để cuộc đời vùi dập mình, rồi lại vững vàng đứng lên.

Nhật Bản là thế. Du học là thế, đủ các gam màu, hồng có, đen có. Dù thế nào đi nữa thì thái độ trên con đường bạn chọn mới quyết định được gam màu của cuộc đời bạn. Tháng 4 tới sẽ là một vé máy bay không có khứ hồi. Mà lượt đi là sự nỗ lực của các thầy cô trung tâm vun đắp, chuẩn bị cho bạn. Một cái vé mà cho ta trải nhiều thứ, nếm nhiều thứ. Một cái vé mà hẹn ngày về là một ngày bạn thành công. Về Việt nam với “tấm bằng Quốc tế”, với sự trưởng thành, bản lĩnh. Với những ngày tháng bạn sẽ được kể lại cho người thân mình nhưng gì mình được trải qua.

Là những tích luỹ kinh nghiệm để phục vụ cho bản thân, xây dựng nước nhà. Cuộc đời chỉ cho ta 0.1% cơ hội, bạn đã có được sự tin tưởng từ bố mẹ, sự tâm huyết từ thầy cô ở trung tâm. Vậy số phần % còn lại là những ngày tháng sau này thái độ và trách nhiệm của bạn sẽ là câu trả lời.

Hãy cứ vững tâm mà đi đi, đừng sợ. Hãy tự vẽ cho mình một con đường đi, và chọn màu thích hợp nhất tự tay bạn tô màu vào cuộc đời bạn. Bạn nhớ rằng bạn khi bạn đang chơi, đang ngủ thì những người cạnh bạn họ đang nỗ lực, cố gắng bỏ xa bạn. Tiếng Nhật khó mà dễ, 0.1 % là thông minh còn 99.9% là cần cù.